Đền ông Hoàng Mười: Chốn tâm linh của du khách thập phương

Thứ ba - 09/07/2019 04:33
Ông Hoàng Mười là đức thánh nổi tiếng linh thiêng trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông được người dân ngưỡng mộ, đền thờ được dựng ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, đền ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An là điện thờ chính, còn những nơi khác chỉ là phối thờ.
Ông Hoàng Mười hay còn gọi là Ông Mười Nghệ An. Ông là con của Vua cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh, ông giáng trần để giúp dân phù đời:
“Gươm thiêng chống đất chỉ trời
Đánh đông dẹp bắc việc ngoài binh nhung
Hai vai nặng gánh cương thường
Sông Lam sóng cả buồm giương một chèo”
Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản. Theo như ở vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê Khôi - vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, làm đến nguyên thần tam triều Lê gia, phong đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân. Lại có một dị bản khác cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lí Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An
Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí - một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đền Ông Hoàng Mười là một trong sáu ngôi đền thiêng nhất ở Nghệ An. Mỗi năm, Đền đón hàng vạn người dân xứ Nghệ và du khách thập phương đến chiêm bái cầu cho gia đình ấm no hạnh phúc, quốc thái dân an. Trong những năm qua, Đền được quan tâm đầu tư tôn tạo nên diện mạo ngày càng khang trang, phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân.
Thế đắc địa, đền “linh thiêng”
Đền nằm tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, cách thành phố Vinh 5 ki lô mét; tọa lạc trên vùng đắc địa "sơn thuỷ hữu tình" không khí trong lành, tĩnh lặng. Mặt đền hướng về phía dòng Lam giang thơ mộng hữu tình. Sau lưng có núi Dũng Quyết làm chỗ dựa vững chắc. Cách đền không xa về phía Đông Bắc là quần thể di tích Phượng Hoàng Trung Đô - nơi vua Quang Trung chọn làm kinh đô. Nhìn từ trên cao sẽ thấy khung cảnh mang dáng dấp hình tượng đầu Hạc do con sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành. Đầu con Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Vì vậy mà đền Hoàng Mười trước đây có tên là "Mỏ Hạc linh từ" - hội tụ được những yếu tố văn hoá tâm linh và văn hoá du lịch.
Đền được xây dựng năm 1634, từ thời hậu Lê trên mảnh đất bằng phẳng với diện tích 10.615 m². Trước đây, đền có quy mô bề thế với các công trình kiến trúc như tam quan có voi quỳ, hổ phục; cửa tả cửa hữu với đôi cột nanh sừng sững; ba toà hạ điện, trung điện và thượng điện uy nghi. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, đền phải tạm dời vào làng. Đến năm 1995, đền được khôi phục lại. Đền gồm ba tòa (thượng điện, trung điện và hạ điện). Toà thượng điện gồm ba gian, gian trái thờ Song Đồng Ngọc Nữ, gian phải thờ Thái bảo Phúc Quận công và Phụ quốc Thượng tướng quân. Gian giữa thờ ông Hoàng Mười. Cách đền gần 100 mét về phía đông là phần mộ đức ông Hoàng Mười.
Toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn, được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ. Ngoài ra, đền hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử. Đặc biệt có 21 đạo sắc, bản thần tích những tài liệu hán tự, hệ thống tượng pháp... Vào ngày 10/10 (âm lịch)  hàng năm lễ hội đền ông Hoàng Mười được tổ chức trang trọng. Lễ hội có các hoạt động hấp dẫn như: rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người, bóng chuyền, kéo co,…là dịp du khách thập phương hành hương về với Hưng Nguyên; gửi gắm bao niềm ước vọng về cuộc sống đến với thế giới linh thiêng - hướng con người đến với cuộc sống nhân văn.
Mở rộng, tôn tạo góp phần bảo tồn di tích đền ông Hoàng Mười
Những năm gần đây, việc trùng tu, tôn tạo và quản lý di tích đền ông Hoàng Mười đã được các cấp, các ngành liên quan phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp cho đời sau. Ngày 23/10/2014 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 5586/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo và mở rộng di tích lịch sử văn hóa đền thờ ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên (giai đoạn 1) với kinh phí 38 tỷ đồng.Để công tác bảo tồn đạt hiệu quả ngày càng cao, Ban Quản lý di tích đã khảo sát, xây dựng quy hoạch tổng thể một cách khoa học. Hiện nay, Dự án Bảo tồn, tôn tạo và mở rộng di tích đang được triển khai thực hiện
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đàn - Trưởng Ban Quản lý di tích cho biết: “Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, huyện Hưng Nguyên đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Điều thuận lợi cơ bản trong quá trình thực hiện Dự án là được sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân, sự đóng góp vật chất, công đức của du khách thập phương; sự đổi mới về tác phong, lề lối làm việc, cách thức quản lý và tổ chức hoạt động của Ban Quản lý di tích”. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc thực hiện Dự án còn gặp những khó khăn nhất định, trong đó khó nhất là công tác thu hồi đất để mở rộng quy mô Đền thành quần thể khu di tích. Quy hoạch, xây dựng dịch vụ - thương mại thành khu biệt lập với khuôn viên Đền là điều được ưu tiên trong giai đoạn I của Dự án.
Hiện nay, việc bảo tồn, tu bổ các di tích gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, ý thức bảo vệ, duy trì các giá trị văn hóa của người dân còn nhiều bất cập. Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Quản lý Di tích đền ông Hoàng Mười tiếp tục chỉ đạo và tăng cường hiệu quả công tác quản lý di tích, làm tốt công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức về bảo tồn di sản và các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn di tích.
Để đẩy nhanh tiến trình thực hiện Dự án, Ban Quản lý di tích rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự đóng góp về mặt vật chất và tinh thần của các Mạnh Thường Quân trong cả nước cũng như của các tổ chức, cá nhân sinh sống trên địa bàn Nghệ An và du khách thập phương; góp phần bảo tồn, tôn tạo di tích đền Hoàng mời ngày càng khang trang, đồng thời xây dựng Hưng Nguyên - vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
 
             Phòng VH-TT

Tác giả bài viết: Phạm Quốc Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay79
  • Tháng hiện tại475
  • Tổng lượt truy cập24,935
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây