Trong cuộc sống con người luôn luôn phải chịu sự tác động khắc nghiệt của thiên nhiên như: mưa, gió, bão lụt, động đất, thay đổi khí hậu,… và sự tàn phá của chiến tranh. Khi chưa đủ sức để chống trả, họ cầu mong trời đất cho mưa thuận gió hòa, xin các vị thần linh che chở cho trời yên, biển lặng, cuộc sống bình yên. Đất trời, thần linh là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con người, là niềm tin – đức tin. Từ đó trong dân gian có câu: “ Cầu được, ước thấy, có kiêng thì có lành”. Mặt khác trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn“ của dân tộc Việt Nam, nhân dân luôn ngưỡng vọng, biết ơn những người có công với Dân, với Nước, tôn vinh họ là Thần, Thánh và lập đền để thờ phụng, tri ân, cầu mong được phù hộ, độ trì trong cuộc sống. Đền thờ Ông Hoàng Mười được xây dựng vào thời Hậu Lê (1634) tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên cũng không ngoài ý nghĩa đó.
Kiến trúc đền Ông Hoàng Mười gồm có: Hạ diện, Trung điện, Thượng điện, Tả vu, Hữu vu, Lầu Cô, Lầu Cậu, Nghi môn. Tam quan có Voi chầu, Hổ phục uy nghi và khu mộ Ông Hoàng Mười.
Nội thất của đền được bài trí các ban thờ và đồ tế khí đầy đủ theo đúng nghi thức truyền thống của tục thờ Mẫu Tứ phủ và tập tục, tín ngưỡng của địa phương.
Dưới các triều đại phong kiến, đền Ông Hoàng Mười được phong tặng trên hai mươi đạo sắc và giao cho địa phương sở tại bảo quản, chăm lo phụng thờ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đền nằm trong tọa độ ném bom phá hoại mục tiêu của Bến Thủy, nhà máy điện Vinh của máy bay Mỹ, khuôn viên đền bị trúng bom. Để tránh bị tàn phá nặng nền, nhân dân địa phương đã tháo dỡ chuyển các tòa nhà Hạ, Trung, Thượng của đề về làng Xuân Am cất giữ. Năm 1995 do nhu cầu tâm linh, nhân dân phục dựng lại đền trên nền đất vùng Mỏ Hạc xưa. Năm 2002 đề Ông Hoàng Mười được nhà nước công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa. Năm 2004 các ngành chức năng phối hợp với địa phương lập quy hoạch tổng thể khu di tích trình UBND tỉnh phê duyệt để tu bổ, tôn tạo phục vụ năm du lịch Nghệ An 2005.
Từ đó đến nay, căn cứ quy hoạch được phê duyệt, bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và nguồn kinh phí xã hội hóa do nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp, di tích đền Ông Hoàng Mười đã từng bước được khôi phục, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thăm viếng, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân. Đền Ông Hoàng Mười đang trở thành địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của nhân dân xứ Nghệ và cả nước.