Đền thờ Quan Hoàng Mười - người có công hộ quốc bảo dân, chở che cuộc sống cộng đồng, được nhân dân khắp mọi miền ngưỡng mộ và tôn kính.
Đền thờ Quan Hoàng Mười xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên
Truyền thuyết kể rằng: Quan Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh của Vua cha, ông giáng trần để giúp dân, phù đời, được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An về mặt tâm linh, được đặc cách toàn quyền kiểm soát khâm sai ở xứ Nghệ.
Quan Hoàng Mười là người văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, Ngài luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ những người dân lao động nghèo khó; là một vị tướng tài có công lớn trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn. Sau khi bị thương nặng, Ngài phi ngựa về đến quê nhà thì mất, dân làng chưa kịp mai táng, mối đã đùn đất lên quanh thi hài thành một ngôi mộ. Triều đình và nhân dân thương tiếc lập đền thờ bên cạnh ngôi mộ để làm nơi tưởng niệm Ngài. Công lao của quan Hoàng Mười đã được các triều đại phong kiến ghi nhận, ban cho các thần hiệu: “Khâm Sai Tiết Chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa Đẳng Xứ, Kiêm Thủy Bộ Chư Dinh, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Thái Úy, Vị Quốc Công”.
Đền ông Hoàng Mười trở thành điểm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An
Đền Ông Hoàng Mười được xây dựng năm 1634 (thời hậu Lê) với diện tích trên 1 ha. Đền nằm ở vị trí cảnh quan đẹp, non xanh nước biếc hữu tình. Mặt đền hướng về dòng Lam Giang như một dải lụa xanh trải rộng. Sau lưng có núi Dũng Quyết và quần thể di tích Phượng Hoàng Trung Đô - nơi đã được vua Quang Trung chọn làm kinh đô.
Đây là công trình văn hóa tâm linh có quy mô bề thế; gồm có tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu, tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, khu vực miếu mộ...Các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ.
Lễ tuyên sắc tại lễ hội đền ông Hoàng Mười
Tại đền giữ 21 đạo sắc phong do các triều đại phong kiến Việt Nam ban tặng, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.
Trong hệ thống điện thần của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, ông Hoàng Mười có một vị trí hết sức đặc biệt. Ngài được xem là một Đức Thánh Minh trong hàng các ông Hoàng, được người dân sùng bái, ngưỡng mộ, thờ cúng ở nhiều nơi trong cả nước. Nhưng đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An là đền thờ chính, còn những nơi khác chỉ là phối thờ.
Tại ngôi đền này, ngoài thờ chính là ông Hoàng Mười, còn thờ các vị phúc thần: Lê Khôi, Nguyễn Duy Lạc, Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ, mà người đứng đầu là Mẫu Liễu Hạnh.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đền bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1995, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng lại đền trên khu đất cũ với các hạng mục: thượng điện, hạ điện, tả hữu vu, điện cô Chín, điện cửu trùng và mộ ông Hoàng Mười. Bên cạnh việc khôi phục lại kiến trúc, nhiều di vật trong đền như: hệ thống tượng, hoành phi câu đối, đại tự, kiệu... cũng được sưu tầm, phục hồi, làm mới. Đền ông Hoàng Mười trở thành điểm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.
Đền ông Hoàng Mười nằm cạnh dòng sông Mộc
Năm 2002, đền ông Hoàng Mười được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh.
Ngày 27/8/2019, lễ hội Đền ông Hoàng Mười được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Được xem là một trong sáu ngôi đền thiêng lớn nhất Nghệ An. Ngày xưa đền ông Hoàng Mười có 2 kỳ lễ hội lớn là Rằm tháng 3 Âm lịch (lễ hội khai điển) và ngày Lễ hội giỗ ông Hoàng Mười (ngày 10 tháng 10 Âm lịch).
Ngày nay, Lễ hội đền ông Hoàng Mười chủ yếu tổ chức vào dịp lễ giỗ ông Hoàng Mười, diễn ra trong 2 ngày: Từ ngày 09-10/10 (âm lịch). Đây là lễ hội lớn, diễn ra từ xưa đến nay, thu hút đông đảo nhân dân và du khách, không chỉ trong vùng Xuân Am, vùng phụ cận, nhất là thành phố Vinh, các huyện trong tỉnh Nghệ An và các tỉnh ở phía Bắc như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá…về tham gia, làm cho không khí lễ hội tưng bừng, rộn ràng và sôi động hơn.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội được tiến hành song song. Phần lễ gồm: Lễ khai quang, lễ rước sắc, lễ yết cáo, Lễ đại tế và lễ tạ.
Lễ khai quang: Vào sáng sớm ngày 09/10 âm lịch, Ban lễ nghi đền mua sắm lễ vật, lau chùi, sắp xếp tượng sạch sẽ, để đúng vị trí, chuẩn bị xô, chậu nước sạch, khăn lau, chổi quét, nước ngũ vị, cành tre, gương, soạn văn khai quang, thực hiện nghi lễ khai quang.
Lễ rước gồm có đội hình rước bộ và rước thuỷ: Vào đầu giờ buổi chiều ngày 09/10 âm lịch, UBND xã Hưng Thịnh huy động lực lượng khoảng 300 người, kết hợp với người dân và các bản hội với đầy đủ cờ các loại, đầu lân, chiêng, trống, xập xèng, kiệu, tàn lọng, bát bửu, mâm quả... tập trung ở nhà thờ họ Nguyễn để xin chuyển sắc sau đó di chuyển về đền tạo thành đội hình rước sắc đường bộ. Đi đầu là đội múa lân, tiếp theo 1 cờ Tổ quốc, 1 cờ hội to đi hàng đôi, 5 cờ hội nhỏ, thành hàng 1; Đội cờ gồm: Cờ Tổ quốc, cờ hội, mỗi loại 5 cờ xếp hàng đôi, đi sau đội cờ là đội tế, tiếp theo là đội bát âm, tiếp đội bát âm là bát bửu 10 người đi hàng đôi, trống đại, chiêng, tiếp theo là kiệu rước bài vị đặt sau trong kiệu cổ, có 4 nam thanh niên mặc trang phục khiêng kiệu, 1 nữ thanh niên mặc áo dài đội mâm quả, 01 nam thanh niên cầm tàn lọng, người cao tuổi rước nến, hương cùng đi, tiếp đến 02 bản hội có trang phục riêng, sau cùng là đoàn đại biểu, lực lượng huy động, nhân dân và du khách.
Lễ rước sắc bằng đường thủy và đường bộ
Đội hình rước trên sông Mộc gồm: 04 thuyền đua, 12 thuyền ba ván. Mỗi thuyền lớn bố trí 16 người (trong đó có 02 chèo chính và 04 chèo phụ, 04 người cầm cờ Tổ quốc, 04 người cầm cờ hội và 02 người đánh chiêng trống, xập xèng) tạo khí thế sôi nổi cho lễ rước trên sông. 12 thuyền ba ván bố trí mỗi thuyền 01 lái và cắm 03 cờ Tổ quốc, 03 cờ hội.
Khi đội hình rước sắc đường bộ đến ngã ba giao nhau giữa đường bộ và đường sông thì đội hình rước trên sông Mộc kết hợp xuất phát đi song song gióng hàng ngang. Thứ tự đi theo một hàng dọc, đi đầu là 04 thuyền lớn, tiếp sau là 12 thuyền ba ván, vừa đi vừa đánh chiêng, trống, xập xèng.
Đoàn rước sắc đến cổng Đền đã có các bản hội, khách thập phương không đi rước đứng sẵn để đón, thành 02 hàng ngang. Sắc, bài vị, bát hương được chuyển vào thượng điện, bài vị đi trước.
Lễ yết cáo: Ban lễ nghi của đền chuẩn bị các vật phẩm gồm: Hương đăng, trà tửu, mâm ngũ quả, cỗ mặn, gạo muối để Ban tổ chức Lễ hội thực hiện kính thỉnh các vị thần ở đền Hoàng Mười về chứng giám Lễ hội, xin phép được mở Lễ hội phù hộ cho trời quang mây tạnh, lễ hội vui tươi, an toàn, thành công tốt đẹp.
Lễ đại tế diễn ra vào sáng ngày 10/10 âm lịch. Sau khi các đoàn đại biểu dâng hoa tiến lễ xong, tiến hành nghi lễ Tuyên sắc của ông Hoàng Mười. Ba cụ trong đội nghi lễ vào Thượng điện rước hộp sắc của Ông Hoàng Mười ra Hạ điện (2 cụ chấp sự cầm hai cọc nến, 1 cụ chủ tế bưng hộp sắc được để trên mâm chè vuông phủ vải đỏ). Đi vào bên phải, đi ra bên trái (tính từ ngoài vào). Khi đội rước sắc di chuyển lên xuống đều có nhạc bát âm tấu lên. Khi hộp sắc được đưa xuống trước Hạ điện thì chủ tế mở hộp sắc và lấy ra hai đạo sắc (01 đạo thời Lê, 01 đạo thời Nguyễn). Có 02 người chấp sự cầm 2 đầu sắc trải ra. Người dẫn chương trình sẽ giới thiệu 01 cụ lên đọc nội dung sắc phong. Khi đọc sắc thì có 2 người chấp sự cầm nến soi. Sau khi tuyên sắc xong, sắc phong sẽ được cuốn lại bỏ vào hộp và rước lên yên vị như cũ. Đội nghi lễ thực hiện tế lễ theo nghi thức cổ truyền, tế 3 tuần rượu, có bài thông xướng.Tế xong mời các đại biểu cấp tỉnh, các huyện bạn, các ban, ngành cấp huyện, xã Hưng Thịnh, các xã trong huyện, nhân dân và du khách dự lễ vào dâng hương.
Lễ tạ: Diễn ra vào cuối buổi chiều ngày 10/10 âm lịch. Ban lễ nghi của đền chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm để Ban tổ chức thực hiện nghi lễ. Sau khi Lễ tạ xong, Ban tổ chức, Ban quản lý Đền tiến hành lễ rước sắc về nhà thờ họ Nguyễn.
Bên cạnh các phần nghi lễ, lễ hội còn có các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian, đêm hội hoa đăng.
Thả đèn hoa đăng trên sông Mộc
Thả đèn Hoa đăng trên sông Mộc được tổ chức vào đêm mùng 9/10 âm lịch. Đàn thả đèn hoa đăng được thiết lập ở trước cổng đền, ngay bên bờ sông Mộc. Đàn có 3 cấp: Cấp thứ nhất (cao nhất): gồm 1 bàn vuông. Trên bàn bài trí 01 bình hương ở giữa, hai đầu đặt 02 cọc nến, 02 bình hoa, 01 mâm xôi gà ở giữa, 01 mâm ngũ quả, 01 mâm bánh kẹo, 01 mâm tiền vàng, 01 đĩa cau trầu, 01 chai rượu, 01 chai nước, 10 cái chén. Cấp thứ hai (ở giữa): gồm 02 bàn vuông. Trên bàn bài trí 01 bình hương ở giữa, hai đầu đặt 02 cọc nến, 02 bình hoa, 02 mâm cháo hoa, 01 mâm ngũ quả, 01 mâm bánh kẹo, 01 mâm tiền vàng, áo binh, 01 đĩa cau trầu, 01 chai rượu, 01 chai nước, 10 cái chén. Cấp thứ ba (thấp nhất): gồm 3 bàn vuông. Trên bàn chính giữa bài trí 01 bình hương. Còn lại để đèn hoa đăng. Phía trên bờ sông Mộc bố trí thêm một bàn để đèn Hoa Đăng và nến lửa để nhân dân và du khách tự thắp và cùng thả đèn Hoa đăng. Phía dưới sông Mộc bố trí các thuyền do đoàn xã Hưng Thịnh chọn 20 đoàn viên, thanh niên biết bơi phối hợp thả đèn hoa đăng. Sau khi ban nghi lễ thực hiện các nghi lễ tâm linh xong thì nhân dân và du khách mới bắt đầu thả đèn hoa đăng xuống sông Mộc.
Lễ khai hội năm 2023 tại Đền ông Hoàng Mười
Phần hội được tổ chức song hành cùng các phần lễ. Khai mạc giải thể thao và các trò chơi dân gian được tổ chức vào sáng ngày 9 tháng 10 âm lịch gồm Bóng chuyền, kéo co…Trong các trò chơi truyền thống thì hoành tráng nhất, rầm rộ nhất là cuộc đua thuyền trên sông Cồn Mộc, có sự tham gia tranh tài của các xã trong huyện Hưng Nguyên và một số huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Dưới mặt sông, các tay đua hết sức lực và tài nghệ để thuyền mình đến đích trước, trên bờ sông tiếng reo hò của mấy nghìn người hoà cùng tiếng trống to, trống nhỏ, cồng chiêng vang dậy cả một vùng sông nước đồng quê xứ Nghệ, làm cho sự gắn bó với cộng đồng dân cư càng chặt chẽ, keo sơn hơn.
Hấp dẫn màn đua thuyền tại lễ hội đền ông Hoàng Mười
Đêm Khai hội diễn ra vào tối ngày 9 tháng 10 âm lịch gồm các chương trình văn nghệ đặc sắc đến từ các CLB dân ca trên địa bàn toàn huyện và các bản hội tạo không khí vui tươi ngày hội đền. Nét đặc sắc của lễ hội đền Hoàng Mười là các hoạt động gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là diễn xướng nghi lễ hầu đồng. Ông Hoàng Mười là vị linh thần ở hàng thứ 3 trong hệ thống thần linh của điện thần Tứ phủ, được coi là vị thánh chuyên ban lộc về công danh. Ông Hoàng Mười thường xuyên giáng đồng, ngự trong thời gian lâu, xuất hiện sau các giá Quan và giá Chầu. Nghi lễ hầu đồng thu hút khách thập phương về dự, mỗi năm đền đón khoảng 400 - 500 nhóm đến thực hành tín ngưỡng.
Lễ hội đền Ông Hoàng Mười bảo lưu những phong tục tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; tái hiện lại sự tích, thân thế, công trạng của các nhân vật lịch sử như Quan Hoàng Mười hay Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí, Nguyễn Duy Lạc; giúp người dân hiểu về lịch sử, truyền thống quê hương qua các hoạt động và phong tục được thể hiện trong lễ hội.
Hàng năm, đền Ông Hoàng Mười thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong Nam, ngoài Bắc về hành hương, chiêm bái nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Quan Hoàng Mười; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của quê hương xứ Nghệ…
Trần Hằng – Phòng VH-TT