Toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn với hệ thống gỗ trong di tích được chạm trổ công phu, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ. Ngoài ra đền ông Hoàng Mười hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử. Đặc biệt hiện nay còn lưu giữ 21 sắc phong, bản thần tích chữ Hán.. và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ. Đền nằm ở vị trí cảnh quan đẹp với phong cảnh non xanh nước biếc hữu tình. Trước mặt là dòng sông Lam như một dải lụa xanh trải rộng, ôm ấp quanh Đền là sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc. Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử. Cảnh quan thiên nhiên của một vùng sông nước, mây núi vốn được coi là một trong những đại danh thắng ở hạ lưu sông Lam, hơi thở trong lành, tinh khiết đã tạo nên cảm giác vô cùng thoải mái cho du khách khi đến đây. Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, từ lâu, đền ông Hoàng Mười đã nổi tiếng linh thiêng và có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.
Trong lòng nhân dân, ông Hoàng Mười là một “đức thánh minh” trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong nước. Có rất nhiều giải thiết nói về nguồn gốc của nhân vật Hoàng Mười. Song đã được dân gian đưa vào ký ức cho rằng ông Hoàng Mười có nguồn gốc rõ ràng ở làng Xuân Am, Tổng Yên Trường, Phủ Hưng Nguyên gắn với ngôi đền thờ ông tại xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên. Và nơi đây, ông Hoàng Mười được nhân thế hóa với tích: Hoàng Mười con thứ 10 của vua cha Bát Hải Đại vương ở hồ Động Đình. Sau khi trở thành vị thần của đạo Mẫu, ông được thiên giới cho cai quản vùng đất Nghệ An với một bản lý lịch thân thế đầy đặn tương đồng với sự hóa thân của các nhân vật có thật như: Lê Khôi, Lý Nhật Quang Nguyễn Duy Lạc,…Đây là những nhân vật lịch sử xứ Nghệ hoặc găn bó với xứ Nghệ có những công trạng, tính cách tương tự như ông Hoàng Mười gắn với phong thái của người Nghệ kiên cường, thông minh và không kém phần hào hoa, phong nhã. Dù hóa thân là ai hình tượng Quan Hoàng Mười vẫn rất gần gủi, gắn bó được Nhân dân xứ Nghệ ngưỡng mộ và tôn vinh
Đền ông Hoàng Mười là một di tích mang nhiều gía trị lịch sử, văn hóa đó là Di sản văn hóa Phi vật thể. Lễ hội đền ông Hoàng Mười thực sự là hoạt động sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, dân cư địa phương. Những nghi thức, nghi lễ diễn ra tại lễ hội có sự tham gia chủ động của cộng đồng. Ngoài việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tâm linh trong các dịp lễ, Tết, vọng... hàng tháng thì lễ giỗ ông Hoàng Mười ở phần hội được tổ chức quy mô như bóng chuyền Nam, bóng chuyền nữ đến từ 18 xã, thị trấn thì còn có hoạt động đua thuyền trên sông Mộc với sự sự tham gia của vận động viên 3 xã xã Xuân Lam, Long Xá và xã Hưng Lợi thì còn có sự tham gia của các huyện bạn như Đô Lương, Nam Đàn và Thị xã Hoàng Mai. Khác với mọi năm hoạt động văn hóa, văn nghệ năm nay có thêm môn Nhảy dân vũ của các xóm Hưng Thịnh.
Trong đêm khai hội, sẽ diễn ra chương trình sử thi chào mừng lễ hội. Hoạt động ấn tượng nhất của lễ hội là màn thả đèn hoa đăng trên sông Mộc. Cùng với hoạt động văn hóa văn nghệ, lễ hội còn có các hoạt động truyền thống như: Lễ mộc dục, lễ khai quang, lễ rước sắc, lễ yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ….
Ngoài ra, trong quá trình diễn ra lễ hội Đền ông Hoàng Mười năm nay còn tổ chức trưng bày sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP và phối hợp với các đoàn thiện nguyện tổ chức trao tặng 10 ngôi nhà cho hộ nghèo, 100 xe đạp và 300 suất quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn
Nét đặc sắc của lễ hội Đền ông Hoàng Mười phải kể đến các hoạt động gắn với diễn xướng nghi lễ hầu đồng và tín ngưỡng thờ thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ mẫu một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đền ông Hoàng Mười hướng tới cuộc sống, niềm tin thực tại với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn của mọi tầng lớp trong xã hội ấy đã tạo nên cho di tích một di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống đặc sắc. Với những nghi lễ tâm linh truyền thống, đậm màu sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống mà đặc sắc nhất là nghi thức hầu đồng, lễ hội đã vượt phạm vi một làng, một vùng, thu hút nhiều du khách trong Nam, ngoài Bắc về tham dự. Đông nhất vẫn là du khách đến từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Ninh Bình, Thanh Hóa
Đền ông Hoàng Mười là di tích lịch sử mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn du khách. Lễ hội Đền ông Hoàng Mười là nét đẹp trong đời sống văn hóa, kết tinh từ những giá trị tốt đẹp, tôn vinh giá trị truyền thống. Với những nội dung đặc sắc gắn với tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ của người Việt, đền ông Hoàng Mười có một vị thế hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của Nhân dân, đã và đang thu hút nhiều du khách. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy, lan tỏa hơn nữa giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đền ông Hoàng Mười, thời gian qua huyện Hưng Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và mở rộng di tích lịch sử văn hóa đền ông Hoàng Mười”. Dự án được quy hoạch với tổng diện tích xây dựng hơn 13,6 ha, bao gồm 4 khu vực: khu tâm linh, khu dịch vụ, khu lễ hội và khu cây xanh cảnh quan. Bà Hoàng Thị Hoài Thanh – Trưởng Phòng VH –TT huyện, Trưởng Ban Quản lý Di tích Đền ông Hoàng Mười cho biết thêm: “Thời gian tới Phòng sẽ tiếp tục tham mưu với huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển Du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn đồng thời chú trọng phát huy giá trị di tích, khai thác du lịch văn hóa tâm linh. Cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá để du khách đến với di tích ngày một nhiều hơn.”
Lễ khai hội Đền ông Hoàng Mười năm 2022; Ảnh: PVH TT CC
Với sự ngưỡng mộ của Nhân dân đối với quan Hoàng Mười và sự đặc sắc về cảnh quan môi trường cũng như giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, đền ông Hoàng Mười là điểm du lịch văn hóa tâm linh của Nhân dân, của du khách thập phương trong hành trình tìm về xứ Nghệ. Bảo tồn, tôn tạo và mở rộng di tích đền ông Hoàng Mười để xứng tầm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nhiệm vụ đã và đang được Hưng Nguyên quan tâm, góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc./.
Kiều Hoa
(Trong bài viết có sử dụng tư liệu trong Cuốn Kỷ yếu Hội thảo giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích đền ông Hoàng Mười)